Chào mừng các bạn đến với Website của trường THPT Ngọc Lặc - Welcome to Ngoc Lac High School
Liên kết Website
Số lượt truy cập

Giới thiệu

Ngày đăng: 3/21/2023 10:10:54 AM

 

PHẦN I

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

 TRƯỜNG THPT NGỌC LẶC

 

Cách thành phố Thanh Hóa khoảng 75 km về phía Tây và là cửa ngõ nối liền, giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các huyện đồng bằng châu thổ Sông Mã với các huyện miền núi phía Tây, Ngọc Lặc có vị trí chiến lược quan trọng cả về Quốc phòng, kinh tế, chính trị…của tỉnh Thanh Hóa. Vốn có truyền thống yêu nước, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất và hiếu học, mang đậm bản sắc văn hóa Mường và nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo, những truyền thống quý báu đó càng được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Vì vậy, từ lâu Ngọc Lặc đã trở thành một địa chỉ đỏ, là cái nôi của sự nghiệp giáo dục - đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của các huyện miền núi tỉnh Thanh. Nhiều trường học đầu tiên của tỉnh như: Sư phạm 7+3, Bổ túc công nông, Thanh Niên dân tộc, Trung cấp nông nghiệp, Trường C…đã được thành lập và đứng chân trên địa bàn của huyện, đã được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ tận tình. Sự ra đời và phát triển không ngừng của trường cấp III Ngọc Lặc - một trong những trường cấp III đầu tiên của miền núi Thanh Hóa là một tất yếu lịch sử của nhu cầu phát triển về văn hóa, giáo dục, đào tạo của huyện Ngọc Lặc thời kỳ đó.

 

          Ngay từ những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, nhân dân cả nước phấn khởi bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (12-1960). Ở miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng CNXH. Ở miền Nam đẩy mạnh đấu tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước. Thời kỳ này, cũng như nhiều vùng miền khác của cả nước nói chung và Thanh Hóa nói riêng, huyện Ngọc Lặc còn nghèo và lạc hậu cả về kinh tế, cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục…chậm phát triển. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, Chính quyền trong huyện, những khó khăn, yếu kém đó đã từng bước được đẩy lùi, khắc phục, nhất là trên lĩnh vực chăm lo phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, văn hóa… cho nhân dân. Trước nhu cầu cấp thiết được học tập của con em các dân tộc trong huyện, Huyện ủy, UBHC huyện Ngọc Lặc đã đề nghị và xin ý kiến chỉ đạo của UBHC tỉnh và Ty Giáo dục Thanh Hóa cho phép thành lập trường cấp III Ngọc Lặc. Ngày 30 tháng 9 năm 1961- một mốc son vẻ vang đã được ghi vào trang sử vàng truyền thống của quê Ngọc thân yêu - Trường cấp III Ngọc Lặc được thành lập theo quyết định số 1754 TKVX của Chủ tịch UBHC Thanh Hóa. Trường cấp III Ngọc Lặc thành lập trên cơ sở hình thành từ trường cấp II Ngọc Lặc.

 

          Ra đời trong bối cảnh chung của đất nước đang bị chia cắt hai miền Nam-Bắc bởi chiến tranh, lại ở một huyện miền núi có nhiều khó khăn, lạc hậu… nhất là trong lĩnh vực giáo dục, nhưng dưới sự lãnh đạo thường xuyên và trực tiếp của Huyện ủy, UBND huyện Ngọc Lặc, sự nỗ lực vươn lên của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh, trường cấp III Ngọc Lặc đã không ngừng phấn đấu lập được nhiều thành tích quan trọng và thiết thực, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng quê hương đất nước.

 

          Sau khi thành lập, năm học 1961 - 1962, trường mang tên là trường cấp II - III Ngọc Lặc, chỉ có một lớp 8, gồm 24 học sinh, có 2 cán bộ, giáo viên, do thầy Phạm Tăng làm Hiệu trưởng. Thầy Phạm Tăng (người Ngọc Lặc) dạy các môn: Văn, Sử, Địa. Thầy Hoàng Minh Mẫn (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) dạy các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh. Trường được tăng cường thêm 2 giáo viên cấp II lên dạy các môn chính trị và thể dục. Thầy Quách Văn Môn (Cán Khê - Như Xuân) dạy chính trị, thầy Nguyễn Trương Khuê dạy Thể dục. Do mới thành lập, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, nên học sinh phải học chung với cấp II và được bố trí học tại phòng thực hành thí nghiệm.

 

          Năm học 1962 - 1963, trường có 1 lớp 9 và 2 lớp 8, học sinh là con em các dân tộc trong huyện và một số huyện lân cận như: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Bá Thước…về học. Số lượng học sinh tăng lên đáng kể, đội ngũ giáo viên cũng được tăng cường đủ điều kiện dạy các môn cơ bản: Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa… Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động được hai năm, điều kiện trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học còn nhiều thiếu thốn, nhưng chất lượng giáo dục của nhà trường vẫn bảo đảm. Những năm đầu mới thành lập, học sinh đem gạo đến góp vào bếp ăn tập thể. Cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường đều ăn ở sinh hoạt tại kí túc xá của nhà trường. Với tinh thần vượt khó, vượt khổ, cả thầy và trò đã cùng nhau khắc phục và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học. Năm học 1962 - 1963, nhà trường còn được giao thêm một nhiệm vụ nặng nề là: dạy bổ túc văn hóa cho một số cán bộ là Hiệu trưởng và giáo viên giỏi cấp I ở trong huyện, về học vào các ngày cuối tuần để chuẩn bị học hàm thụ lên dạy cấp II. Như vậy, ngay từ những năm đầu mới thành lập, trường cấp II, III Ngọc Lặc đã được tin tưởng và giữ một nhiệm vụ hết sức quan trọng là đào tạo nguồn cán bộ, nhân lực cho miền núi, đáp ứng một phần nhu cầu thiếu cán bộ, giáo viên miền núi tỉnh Thanh Hóa. Được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo thường xuyên và trực tiếp của Huyện ủy, UBND huyện đi đôi với việc phải thường xuyên bảo đảm cho dạy tốt - học tốt, nhà trường còn phải chuẩn bị tốt về tinh thần và con người, kế hoạch xây dựng trường ở địa điểm mới, để tách trường cấp III ra thành trường riêng.

 

          Năm học 1963 - 1964, trường chỉ có một lớp 10, hai lớp 9 và 3 lớp 8, đủ điều kiện tách khỏi trường cấp II, III, thành trường cấp III Ngọc Lặc. Trường được xây dựng tại địa điểm mới tại Xưởng Sắn thuộc xã Ngọc Khê (nay là khu vực Ngân hàng NN&PTNT của huyện Ngọc Lặc). Trường có 6 phòng học làm bằng gỗ, trát tốc xi, lợp ngói, một bếp ăn tập thể cho cán bộ giáo viên, học sinh và một nhà gác có 10 phòng dùng cho học sinh lưu trú. Khi trường cấp III Ngọc Lặc được tách ra thành trường riêng vẫn do thầy Phạm Tăng làm Hiệu trưởng. Như vậy, đến tháng 9 năm 1963, huyện Ngọc Lặc đã có một trường cấp III, đây là trường cấp III đầu tiên của các huyện miền núi Thanh Hóa. Cũng trong năm học này, một số giáo viên mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm, được điều động, tăng cường cho nhà trường. Đó là thầy Lê Duy Trung (Quảng Xương) dạy Toán, thầy Phùng Đình Thành (Thọ Xuân) dạy Vật Lý, thầy Nguyễn Đức Huy (Thọ Xuân) dạy Trung Văn…

 

          Từ khi tách thành trường riêng, theo tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh là: Xây dựng trường cấp III Ngọc Lặc thành một trường điểm, đào tạo cán bộ cho khu vực miền núi, cán bộ, giáo viên nhà trường đã xác định rõ và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Được sự chỉ đạo sát sao của Ty Giáo dục Thanh Hóa cũng như sự quan tâm, đầu tư trực tiếp của huyện nhà và sự đóng góp của nhân dân, cơ sở vật chất nhanh chóng được bổ sung, xây dựng, đáp ứng nhu cầu dạy và học của nhà trường. Nơi ăn ở, làm việc của cán bộ, giáo viên và học sinh được xây dựng đầy đủ, đảm bảo, nên ai cũng yên tâm công tác, gắn bó với trường, kính thầy, yêu trò, mến lớp. Qua kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục hàng năm của Ty Giáo dục, nhà trường đều đạt chất lượng cao và luôn đứng đầu về chất lượng của các trường miền núi tỉnh Thanh và được công nhận là trường tiên tiến cấp tỉnh nhiều năm liền. Thời kỳ này đầu lớp và số lượng học sinh tăng nhanh rõ rệt. Có thể nói, đây là kết quả tất yếu của sự nỗ lực vượt khó đi lên của cả thầy và trò nhà trường cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy chính quyền các cấp và sự đóng góp của nhân dân các dân tộc huyện Ngọc Lặc đối với trường cấp III Ngọc Lặc ngay từ khi còn manh nha, trứng nước.

 

          Bước sang thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Đế quốc Mỹ, đánh phá ra miền Bắc, nhà trường đã nhanh chóng chuyển hướng sang dạy và học trong thời chiến. Từ năm 1965, trường sơ tán về Làng Mùn xã Ngọc Khê. Cũng trong năm học này, thầy Phạm Tăng - Hiệu trưởng nhà trường được cử đi học lớp bồi dưỡng cán bộ một năm. Thầy Ngô Xuân Tứ là Hiệu trưởng trường Sư phạm 7 + 3, kiêm phụ trách trường Bổ túc công nông, được thay thế thầy Phạm Tăng. Từ năm học 1965 - 1966 trường cấp III Ngọc Lặc chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước có chiến tranh. Thầy và trò đều xác định: Phải có tinh thần và nghị lực mạnh mẽ để thực hiện nhiệm vụ dạy và học trong thời chiến, vừa thi đua dạy tốt - học tốt, vừa phải sẵn sàng nhập ngũ lên đường chiến đấu khi có yêu cầu.

 

          Để thuận tiện và đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng nhanh của con em các dân tộc trong tỉnh, đến năm học 1964 - 1965, UBHC Thanh Hóa đã ra quyết định thành lập thêm một số trường cấp III nữa ở các huyện miền núi như: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Thường Xuân…vì vậy học sinh học cấp III ở các huyện lân cận đã có trường, có lớp để học, chỉ còn một số học sinh ở các huyện Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước còn theo học ở trường cấp III Ngọc Lặc. Cũng vào thời điểm này, nhiều học sinh là con em Việt Kiều ở Thái Lan về nước cũng được học tại trường.

 

          Được sự quan tâm của lãnh đạo và các ban ngành trong huyện, trường đã làm thêm nhà ở cho giáo viên, văn phòng, nhà hiệu bộ, nhà ăn tập thể cho cả thầy và trò. Trang thiết bị giảng dạy và học tập của nhà trường cũng được đầu tư mua sắm. Ngoài các buổi học chính khóa, nhà trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa, tổ chức các ngày lao động cộng sản do Chi bộ, BGH và Đoàn thanh niên phát động, đã thu được nhiều kết quả cao như: Vào rừng đốn củi góp cho bếp ăn, đào giao thông hào, hầm trú ẩn cá nhân, lán học và các khu vực tập thể…thời kỳ này, giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, một số khu vực trên địa bàn Ngọc Lặc như: Dốc Nán, Trạm Thủy điện, các xã Quang Trung, Kiên Thọ… thường xuyên bị bắn phá ác liệt. Nhưng do có sự chủ động phòng tránh, nên các hoạt động của nhà trường chẳng những không bị giảm sút hay gián đoạn, mà còn diễn ra với một khí thế hừng hực của tinh thần: Nhà nhà thi đua, người người thi đua trên các lĩnh vực để quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

 

          Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” của thanh niên cả nước, tuổi trẻ nhà trường đã dấy lên phong trào thi đua: Dạy tốt - học tốt - rèn luyện tốt - lao động giỏi và sẵn sàng lên đường nhập ngũ. Nhiều thầy giáo và học sinh của nhà trường đã rời ghế nhà trường, tòng quân đi chiến đấu ở các chiến trường. Trong khói lửa chiến tranh ác liệt, nhiều người đã trưởng thành và lập công xuất sắc, nhiều người cũng đã anh dũng hy sinh. Tuổi xuân, máu đào, tên tuổi của các anh hùng liệt sỹ đã tô thắm lịch sử vẻ vang của nhà trường và quê hương đất nước. Đó là các liệt sỹ: Ngô Xuân Quảng, Hoàng Sỹ Nho, Phạm Văn Bu, Mai Thanh Sơn, Hà Ngọc Chuyển, Phạm Văn Nhất, Lê Hồng Linh…

 

          Năm 1968, thầy Phạm Tăng, Hiệu trưởng nhà trường được điều động sang làm hiệu phó trường Sư phạm 7 + 3, kiêm Hiệu trưởng Trường Bổ túc Công Nông miền núi. Thầy Lê Khắc Chí được giao phụ trách trường cấp III Ngọc Lặc. Thời kỳ này, trường có 2 lớp 10, 2 lớp 9 và 3 lớp 8, học sinh có khoảng 300 em. Các lớp học vẫn dựng tạm bằng: luồng, tre, nứa, lá ở trên đồi và trong rừng. Bàn ghế của học sinh thiếu thốn, phải dùng các đoạn luồng ghép lại để làm bàn, ghế ngồi học. Cán bộ, giáo viên của nhà trường có một bộ phận phải ở trong nhà dân, một số học sinh đi học phải ở trọ…Khó khăn vất vả là thế, nhưng cán bộ, giáo viên, học sinh ai cũng xác định tốt vai trò trách nhiệm của mình, đoàn kết, nỗ lực vượt khó, vượt khổ với tinh thần: Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt nên các năm học thời kỳ này, nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tỷ lệ học sinh lên lớp và thi đỗ tốt nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước, thường xuyên nằm trong tốp dẫn đầu của các trường cấp III miền núi của tỉnh. Trường đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp tỉnh nhiều năm, được cấp trên khen thưởng nhiều bằng khen, giấy khen…Trường còn được vinh dự đón nhiều đoàn đại biểu về thăm như: Đoàn đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa, đoàn Bộ giáo dục, phái đoàn đại biểu mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do ông Nguyễn Phú Soạn làm trưởng đoàn, đoàn đại biểu các anh hùng dũng sỹ diệt Mỹ miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc…

 

          Từ năm học 1969 - 1970, thầy Phạm Văn Hợp được Ty giáo dục tỉnh Thanh Hóa điều về phụ trách nhà trường thay thầy Lê Khăc Chí. Năm học 1970 - 1971, thầy Nguyễn Văn Hợp có quyết định chính thức làm Hiệu trưởng nhà trường. Cũng trong năm học này, thầy và trò lại chuyển trường từ nơi sơ tán về địa điểm cũ. Được sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Huyện ủy, UBND huyện và sự quyết tâm, nỗ lực rất cao của thầy và trò, chỉ trong một thời gian ngắn, nhà trường đã chuyển từ Cao Thắng về địa điểm cũ (Xưởng Sắn xã Ngọc Khê). Trong lúc này, trường cũ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, do suốt thời gian đi sơ tán không có người trông coi bảo vệ. Vì vậy, việc quan trọng và cấp bách là phải tu sửa ngay các phòng học, nơi ăn ở, sinh hoạt, nơi làm việc của cán bộ giáo viên, để nhanh chóng ổn định các mặt, bước vào giảng dạy và học tập của thầy và trò. Không quản ngày đêm cán bộ, giáo viên, học sinh và cả các bậc phụ huynh đã tích cực lao động, đóng góp công sức, vật liệu xây dựng cho nhà trường. Chỉ sau một thời gian ngắn, cơ sở vật chất đã được tu sửa lại, làm thêm, nâng cấp một số phòng học, nhà ở, nơi làm việc của cán bộ và giáo viên. Các hoạt động của nhà trường lại tiếp tục đi vào hoạt động ổn đinh và nền nếp.

 

          Năm 1972, Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc lần thứ hai. Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện, một lần nữa trường phải sơ tán vào rừng Luồng làng Ngòn, xã Ngọc Khê, tiếp giáp với xã Ngọc Liên, cách trường cũ 7km. Chi bộ, BGH, đã có Nghị quyết lãnh đạo và kế hoạch tổ chức rất tích cực và khẩn trương. Chỉ sau một tháng, thầy và trò đã di chuyển một khối lượng lớn tài sản, cơ sở vật chất, đồ dùng giảng dạy…của nhà trường về địa điểm sơ tán một cách an toàn. Nơi ở mới, điều kiện ăn ở sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu nước - giếng đào không có nước. Tất cả đều phải ra sông Cầu Chày - cách trường 3km để lấy nước về sinh hoạt. Nhưng với tinh thần: Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thầy và trò nhà trường đã ra sức cố gắng vượt khó, vượt khổ, tiếp tục giảng dạy và học tập, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong những năm học đó.

 

Vào địa điểm sơ tán được 2 năm thì có lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước. Với tinh thần: tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tuổi trẻ trường cấp III Ngọc Lặc lại xếp bút nghiên cùng tuổi trẻ cả nước lên đường đánh Mỹ. Trong đợt tổng động viên đó, nhà trường đã tiễn đưa hàng chục thầy giáo và học sinh (chủ yếu là học sinh lớp 10) nhập ngũ. Vì vậy, từ chỗ có 3 lớp 10, xuống còn 1 lớp 10. Dù nhập ngũ đi chiến đấu ở các chiến trường hay ở lại giảng dạy, học tập ở hậu phương, thầy và trò trường cấp III Ngọc Lặc đều lập công và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều tên tuổi đã làm dạng danh truyền thống nhà trường như cô Trần Thị Phương nguyên là Phó hiệu trưởng nhà trường, Đại biểu Quốc Hội khóa X. Trưởng thành từ mái trường cấp III Ngọc Lặc thân yêu, hơn 25 nghìn anh chị em đã tốt nghiệp ra trường. Nhiều người đã trở thành những lao động giỏi trên quê hương, trong nhà máy, xí nghiệp… nhiều doanh nhân thành đạt. Nhiều học sinh ưu tú đã trở thành sỹ quan, tướng lĩnh, các nhà khoa học, nhà giáo, thầy thuốc; cán bộ chủ chốt của các của Đảng, của các Bộ, Ngành từ TW tới địa phương... góp phần xây dựng quê hương, đất nước như: ông Phạm Văn Tích nguyên Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XI; ông Phạm Thanh Sơn, nguyên UVBTV Tỉnh ủy khóa XVIII, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, bà Trịnh Thị Giới, nguyên UVBCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2005-2010, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, Đại biểu Quốc hội khóa XII và nhiều tên tuổi khác đã làm rạng danh trang sử vàng vẻ vang của nhà trường và là động lực phấn đấu trưởng thành, là tấm gương sáng của các thế hệ tiếp theo.

 

Sau đại thắng mùa xuân 1975, miền nam được hoàn toàn giải phóng, hòa bình đã trở lại trên mọi miền của Tổ quốc. Cả nước thống nhất đi lên CNXH. Một lần nữa trường cấp III Ngọc Lặc lại di chuyển từ rừng luồng làng Ngòn về địa điểm cũ. Công việc bộn bề, khẩn trương nhưng ai cũng hồ hởi, tích cực làm việc, lao động, xây dựng phòng học, phòng họp, nhà giáo viên, sân chơi, bãi tập… đều lại được tu sửa, nâng cấp hoặc làm mới, bền vững và khang trang hơn.

 

          Năm học đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, cán bộ giáo viên đều được quán triệt, và có nhận thức sâu sắc về việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo yêu cầu đổi mới của Bộ giáo dục và quyết tâm xây dựng trường cấp III Ngọc Lặc thành trường kiểu mẫu ngang tầm với các trường điểm trong tỉnh. Đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của nhà trường. Chi bộ, Ban giám hiệu đã có Nghị quyết lãnh đạo và triển khai tổ chức thực hiện đến các tổ chức đoàn thể như Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội phụ nữ của nhà trường. Được Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ, nhà trường đã mua sắm thêm nhiều trang thiết bị cho dạy, học và xây dựng nâng cấp các phòng học. Mặc dù thời điểm này vật liệu xây dựng rất khan hiếm, việc mua gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo và giúp đỡ của Huyện ủy, UBND huyện và các ban ngành trong huyện, nhà trường đã tu sửa, làm mới, nâng cấp nhiều hạng mục công trình, nâng cấp cơ sở hạ tầng, làm cho cơ ngơi ăn ở sinh hoạt, giảng dạy và học tập của nhà trường được khang trang, sạch đẹp. Trong hoạt động công tác giáo dục, nhà trường đã chú trọng đi vào chiều sâu toàn diện, cả kiến thức văn hóa phổ thông, gắn với các phong trào VHVN, TDTT, … nâng cao thể chất và ý thức cộng đồng cho học sinh.

 

          Những năm từ 1975-1985, tình hình chính trị, đời sống kinh tế xã hội của cả nước gặp vô vàn những khó khăn, thử thách. Tháng 2 năm 1979, chiến tranh ở hai đầu biên giới nổ ra. Đầu những năm 80 (của thế kỷ XX), nước ta lại lâm vào khủng hoảng kinh tế, đời sống của nhân dân nói chung, cũng như cán bộ giáo viên vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Giáo viên phải vừa dạy học, vừa lao động tăng gia sản xuất để tự túc lương thực… khó khăn, thử thách là thế, nhưng cán bộ đảng viên, giáo viên, học sinh trong trường vẫn có quyết tâm, nỗ lực rất cao, tự vượt lên hoàn cảnh khó khăn, tự vượt lên chính mình và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây cũng là thời kỳ nhà trường gặt hái được nhiều thành tích trong giảng dạy và học tập, trong các phong trào thi đua VHVN, TDTT… Phong trào 3 xung kích làm chủ tập thể, phát triển mạnh mẽ và có hiệu quả thiết thực trong giáo viên và học sinh. Hàng năm có nhiều Chi đoàn thanh niên, tổ Công đoàn được tặng cờ tập thể lao động XHCN.

 

          Năm 1977 huyện Lang Chánh và Ngọc Lặc sát nhập thành huyện Lương Ngọc. Năm 1981, theo quyết định của tỉnh và của UBND huyện Lương Ngọc, Trường cấp III Ngọc Lặc được xây dựng tại địa điểm mới, ở lang Ngù xã Thúy Sơn. Như vậy, một lần nữa, nhà trường lại di chuyển từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xã Thúy Sơn. Tháng 4-1981 công trình xây dựng trường mới đã được thi công theo thiết kế gồm: 18 phòng học, nhà bộ môn, văn phòng, khu nhà ở cho cán bộ giáo viên và 1 khu nhà làm ký túc xá cho 100 học sinh. Sau 2 năm xây dựng, các công trình nói trên cơ bản đã hoàn thành, nhưng vẫn còn 1 số các hạng mục xây dựng theo thiết kế vẫn chưa xong do thiếu kinh phí.

 

          Năm 1985, để tạo điều kiện cho con em các xã phía nam có điều kiện học tập, trường lập thêm một phân hiệu mới tại thị trấn nông trường Sông Âm. Nhưng do điều kiện kinh tế xã hội lúc bấy giờ rất khó khăn, số lượng học sinh đến trường rất ít, nên trường đã không duy trì được phân hiệu này. Năm 1991, cơ sở này được chuyển giao cho trường Bổ túc văn hóa, nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện Ngọc Lặc.

 

          Tháng 12/1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng thành công tốt đẹp. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội VI, cả nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Vì lợi ích mười năm thì phải  trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người, cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách trong cuộc sống thường nhật để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của người thầy. Nhà trường đã đẩy mạnh phong trào thi đua: Dạy tốt - học tốt - rèn luyện tốt và các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây, nuôi cá, đóng gạch, nung vôi… Đoàn thanh niên của trường phát động nhiều ngày công Lao động cộng sản. Hiệu trưởng, Ban giám hiệu duy trì nề nếp nội dung quy chế giáo dục của ngành đề ra. Mỗi thầy cô giáo luôn giữ vững tác phong mô phạm, phẩm chất người thầy, là tấm gương sáng về tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo. Các hoạt động VHVN - TDTT… thường xuyên được duy trì, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa cho học sinh. Kết quả về công tác giáo dục của nhà trường được Sở giáo dục và đào tạo cũng như Huyện ủy, UBND huyện đánh giá cao và tặng bằng khen, giấy khen cờ thưởng thi đua của ngành.

 

          Tháng 12 năm 1991, nhà trường tiếp nhận cơ sở vật chất và địa điểm của Ban dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Một lần nữa, thầy và trò lại dời chuyển trường từ làng Ngù xã Thúy Sơn đến vị trí mới tại Phố Lê Lai, Thị trấn Ngọc Lặc.

 

          Năm 1993, nhà trường lại phải đối mặt với một thách thức mới là: Do đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, số lượng học sinh đến trường giảm đáng kể, toàn trường chỉ có 175 học sinh. Nhiều giáo viên được điều chuyển đi trường khác, ngành khác, toàn trường chỉ còn 23 giáo viên. Trước thực tế đó, Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường đã làm tốt công tác tư tưởng, động viên cả tinh thần, vật chất cho cán bộ giáo viên. Huyện ủy, UBND huyện cũng quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện giúp đỡ để đời sống, tinh thần của giáo viên được cải thiện hơn. Vì vậy, nhà trường đã vượt qua được nhưng khó khăn, thử thách. Giáo viên yên tâm công tác, yêu nghề, gắn bó với trường lớp. Từ năm học 1995 - 1996, số học sinh đến trường đã tăng lên rõ rệt và đầu lớp học cũng tăng lên tương ứng. Năm 1995, thầy Phạm Huy Tợn, Hiệu trưởng nhà trường chuyển công tác, thầy Nguyễn Xuân Dương được giao phụ trách trường. Năm 1997 thầy Nguyễn Xuân Dương được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường.

 

          Thời kỳ 1996-2000, giáo dục toàn diện của nhà trường phát triển mạnh, có nhiều học sinh thi đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Tỉ lệ học sinh lên lớp và thi đỗ tốt nghiệp hàng năm đều đạt 96-98%. Học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Cùng với việc giáo dục kiến thức văn hóa phổ thông, nhà trường luôn quan tâm giáo dục nâng cao thể chất cho học sinh. Một số năm tham gia Hội khỏe phù đổng khối THPT toàn tỉnh, trường đã đạt giải nhất toàn đoàn.

 

          Năm 1999, UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Giáo dục Đào tạo Thanh Hóa, cho phép huyện Ngọc Lặc được thành lập thêm một phân hiệu 2 ở xã Kiên Thọ. Một số cán bộ, giáo viên của trường được điều chuyển về làm khung cho trường mới. Năm 2001 phân hiệu này được mang tên trường THPT Lê Lai huyện Ngọc Lặc. Cô Trần Thị Phương là Hiệu phó nhà trường được điều động và bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Như vậy đến năm 2001 huyện Ngọc Lặc đã có thêm 1 trường THPT, tạo điều kiện cho con em các dân tộc khu vực phía Nam của huyện học tập, đồng thời giảm tải số lượng học sinh cho trường THPT Ngọc Lặc.

 

          Từ năm học 2002-2003 trở đi, số học sinh tăng nhanh. Nhà trường có hơn 50 lớp với gần 2.500 học sinh, có hơn 100 cán bộ giáo viên, công nhân viên. Nhà trường đã xây dựng được 24 phòng học cao tầng, kiên cố bằng nguồn vốn của nhà nước và nhân dân đóng góp. Trang thiết bị dạy và học cũng được tăng cường. Tuy nhiên do số học sinh tăng, lớp tăng nên vẫn còn tình trạng giáo viên phải kiêm nhiệm và dạy quá tải, học 2 ca/ngày. Trước tình hình đó, năm học 2005-2006, Huyện ủy, UBND huyện đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập thêm một trường THPT tại xã Ngọc Liên, lấy tên là trường THPT Bắc Sơn, thầy Cao Văn Quý Phó Hiệu trưởng nhà trường được điều động và bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.

 

          Ghi nhận những kết quả, thành tích của tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh toàn trường trong những năm qua, nhà trường đã được Bộ giáo dục và đào tạo, UBND tỉnh, Sở giáo dục và đào tạo Thanh Hóa, Huyện ủy, UBDN huyện tặng nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thưởng thi đua. Năm 2001 trường được Chính phủ tặng bằng khen, năm 2004 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Năm 2006, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

 

          Tháng 7 năm 2011, thầy Trịnh Bá Phòng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. Cũng trong năm học này, vào tháng 8 năm 2012 trường lại di dời về cơ sở mới tại số 19, đường Lê Hoàn, phố Lê Duẩn, Thị trấn Ngọc Lặc- nơi trường đang đứng chân hiện nay. Tiếp nhận cơ sở mới ban đầu chỉ có 2 dãy phòng học, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học thiếu thốn nhiều, trường ở khu vực  trũng quanh năm úng nước, thời gian này thầy và trò nhà trường vừa dạy học vừa tích cực lao động để chỉnh trang khuôn viên trường lớp.  

 

          Tháng 8 năm 2016, thầy Cao Văn Quý được điều động về trường làm Hiệu trưởng, trong thời gian rất ngắn, chỉ 3 năm nhưng thầy đã cùng tập thể sư phạm nhà trường có nhiều đột phá mới: siết chặt kỷ cương nền nếp dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp khang trang, thân thiện. Đến tháng 11 năm 2019 thầy Vũ Ngọc Liêm sau 4 năm chuyển công tác sang phòng Giáo dục huyện được Sở giáo dục điều động và bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. Một không khí thi đua sôi nổi lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ trong nhà trường, tập thể sư phạm nhà trường trên dưới một lòng quyết tâm đưa nhà trường phát triển toàn diện. Sau 18 tháng từ 01 tháng 11 năm 2019 đến tháng 5 năm 2021 nhà trường đã làm tốt công tác tham mưu và đầu tư, xây dựng được 36 công trình với số tiền lên đến gần 20 tỷ đồng. Cảnh quan nhà trường có diện mạo mới xanh, sạch, đẹp, an toàn, hiện đại và thân thiện. Với Thầy và Trò mỗi ngày đến trường là một ngày vui, giáo viên đã thực sự bám lớp, bám trường, coi trường là nhà, đồng nghiệp là người thân. Vượt qua những ngày tháng khó khăn ban đầu đến nay nhà trường đã có bước phát triển đột phá mạnh mẽ. Ngày 01 tháng 3 năm 2021 Chi bộ vinh dự được Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quyết định thành lập Đảng bộ. Dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy, Chính quyền, của Sở giáo dục, 60 năm qua nhà trường đã xây dựng truyền thống MÔ PHẠM - SÁNG TẠO VÀ CỐNG HIẾN”. Chính vì vậy chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng nâng cao. Trong 2 năm gần đây, thi TN THPT  năm 2020 và năm 2021 tăng 41 bậc trên bảng xếp hạng toàn tỉnh, số học sinh đạt điểm 10, học sinh đạt điểm 27 trở lên ngày một tăng: năm 2019 có 1 học sinh đạt điểm 10, 1 học đạt 27 điểm; năm 2020 có 3 em đạt 27 điểm, năm 2021 có 19 em đạt điểm 10; 28 em đạt 27 điểm trở lên. Tỷ lệ đỗ vào các trường đại học năm 2021 trên 70%. Năm 2020, thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh tăng 23 bậc so với năm học trước, trong đó có nhiều học sinh đạt giải cao. Ghi nhận kết quả đạt được, năm 2020 nhà trường được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; Đảng bộ được Ban chấp hành Đảng bộ huyện Ngọc Lặc tặng Giấy khen Đảng bộ “Trong sạch, vững mạnh” tiêu biểu năm 2020. Năm 2021 nhà trường được suy tôn là đơn vị dẫn đầu trong khối thi đua, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu. Ngày 03 tháng 6 năm 2021 nhà trường vinh dự được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Bằng công nhận Trường đạt Chuẩn quốc gia mức độ 1 và được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận trường đạt kiểm định chất lượng cấp độ 2. Thư viện nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận đạt Thư viện chuẩn.

 

Tự hào vì trong suốt 60 năm qua, thế hệ các thầy giáo, cô giáo đã và đang công tác ở trường đã tận tâm, tận lực vì học sinh thân yêu, đoàn kết, gắn bó với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, thực hiện theo lời Bác: Dù khó khăn đến đâu, cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt. Các thầy cô sống giản dị, mẫu mực, có tác phong mô phạm, có phương pháp giảng dạy vững vàng, tích cực đổi mới phương pháp, luôn cần cù sáng tạo trong hoạt động dạy học và được học sinh kính trọng, nhân dân tin yêu. Đến nay, nhiều thầy cô đã trở thành giáo viên giỏi, chiến sỹ thi đua, nhà giáo ưu tú, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý của các nhà trường và của ngành giáo dục trong và ngoài tỉnh 

 

          Những thành tựu đã đạt được trong suốt chặng đường 60 năm qua là kết quả trực tiếp về trí tuệ của tập thể các thế hệ thầy và trò nhà trường, đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tâm huyết với nghề, gắn bó với trường, yêu trò, mến lớp. Đó còn là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng như sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên và trực tiếp của Huyện ủy, UBND huyện Ngọc Lặc.

 

Thế hệ thầy trò của năm học thứ 61 bao gồm: 85 cán bộ giáo viên, nhân viên và 1.417 học sinh hết sức trân trọng những bài học quý giá của các thế hệ đi trước, vui mừng với kết quả đạt được hôm nay và hứa hẹn phấn đấu giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường. Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm tới để trường THPT Ngọc Lặc- ngôi trường của miền quê hiếu học, nơi thắp lên ngọn lửa của niềm đam mê và khát vọng vươn lên sẽ mãi mãi là niềm tự hào là niềm tin của các thế hệ học sinh. Đó là lời hứa danh dự với Lãnh đạo Sở giáo dục và đào tạo, trước Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân.

 

Kế thừa và phát huy truyền thống 60 năm của nhà trường, cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh của nhà trường tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đổi mới công tác dạy và học. Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần vào sự nghiệp CNH - HĐH quê hương đất nước, xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng của cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã dành cho nhà trường trong nửa thế kỷ qua. Trường THPT Ngọc Lặc mãi mãi xứng danh là địa chỉ đỏ, tin cậy về giáo dục đào tạo của vùng quê đất NGỌC xứ THANH.

 

 

PHẦN II

BIÊN NIÊN SỬ

 

            Do những năm trước đây nhà trường không tổ chức ghi lịch sử hàng năm, vì thế giai đoạn lịch sử từ khi thành lập trường (1961) đến năm học 2019-2020 Ban biên tập biên soạn lịch sử nhà trường theo hình thức tổng hợp. Từ năm học 2020-2021, nhà trường đã có chủ trương ghi lịch sử chi tiết cho từng năm một.

 

          I. Năm học 2020-2021

          Năm học 2020-2021 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Để thực hiện năm học theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và đào tạo, của UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, nhà trường có nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu kép "vừa dạy và học, vừa phòng, chống dịch COVID-19". Nhiệm vụ đầu tiên được đặt ra trong năm học này là tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học nhưng phải đảm bảo an toàn cho thầy và trò nhà trường và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ngày 01 tháng 3 năm 2021 Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quyết định số 118-QĐ/HU về việc Thành lập Đảng bộ Trường Trung học phổ thông Ngọc Lặc trên cơ sở chuyển đổi từ Chi bộ Trường Trung học phổ thông Ngọc Lặc. Đảng bộ gồm có 3 Chi bộ và 48 đảng viên. Ngay khi được thành lập, Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết với nội dung: Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục; chỉnh trang khuôn viên trường lớp theo hướng Xanh- sạch- đẹp- an toàn và thân thiện; tăng cường xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại. Phấn đấu đến tháng 9 năm 2021 trường đạt trường Chuẩn quốc gia Mức độ 1. Nghị quyết là luồng gió mới phấn khởi, Ban giám hiệu, tập thể sư phạm nhà trường hăng hái quyết tâm và chỉ trong một thời gian ngắn nhà trường đã tạo được sự đột phá mạnh mẽ.

 

          Về chất lượng giáo dục: Thi học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 23 bậc; thi TN THPT tăng 21 bậc (có 19 học sinh đạt điểm 10; có 22 học sinh đạt 27 điểm trở lên).

 

          Về cơ sở vật chất: Trường lớp xanh- sạch- đẹp. Cũng trong năm này UBND huyện đầu tư thay toàn bộ hệ thống cửa trên lớp học; đầu tư xây mới khu nhà đa năng, nhà học bộ môn với tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng. Các thế hệ học sinh đã ủng hộ các công trình lên đến hơn 1 tỷ đồng; Ban đại diện cha mẹ học sinh tặng 12 phòng vệ sinh hiện đại- an toàn trị giá hơn 300 triệu đồng; nhà trường cũng đã xây dựng được 36 hạng mục công trình từ các nguồn vốn hợp pháp. Trong vòng 3 tháng nhà trường đã hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đảng bộ đề ra. Đặc biệt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra để phấn đấu thực hiện trong 5 năm giai đoạn 2020- 2025, nhưng với sự đồng thuận và quyết tâm cao của tập thể sư phạm nhà trường chỉ sau 18 tháng đã hoàn thành và có nội dung vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Ngày 03 tháng 6 năm 2021 Trường được UBND tỉnh công nhận Trường Đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1 (về trước so với kế hoạch 3 tháng).

 

          THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC

I. Năm 2020

1. Đảng bộ- Nhà trường

- Đảng bộ được Huyện ủy tặng Giấy khen: Đảng bộ Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu năm 2020.

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng Bằng khen.

- Công đoàn được Liên đoàn LĐ tỉnh tặng Bằng khen.

 

2. Đối với cán bộ giáo viên

2.1. Cô Ngô Thị Thanh được Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen.

2.2. Các Thầy cô giáo được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua

TT

Họ và tên

Số, ngày tháng Quyết định

Ghi chú

1

Thiều Văn Tài

QĐ số 912/QĐ-SGD&ĐT ngày 17/8/2020

CSTĐ cấp tỉnh

2

Mai Đình Võ

QĐ số 912/QĐ-SGD&ĐT ngày 17/8/2020

 

3

Trần Doãn Cương

QĐ số 912/QĐ-SGD&ĐT ngày 17/8/2020

 

4

Phan Thanh Quyền

QĐ số 912/QĐ-SGD&ĐT ngày 17/8/2020

 

5

Lê Thị Chuyên

QĐ số 912/QĐ-SGD&ĐT ngày 17/8/2020

 

6

Ngô Thị Thanh

QĐ số 912/QĐ-SGD&ĐT ngày 17/8/2020

 

7

Hoàng Thị Nga

QĐ số 912/QĐ-SGD&ĐT ngày 17/8/2020

 

 

2.3. Các Thầy cô giáo có SKKN được công nhận cấp tỉnh, cấp cơ sở

TT

Họ tên

Môn

Xếp loại

Cấp

1

Thiều Văn Tài

Toán

B

Cấp tỉnh

2

Phan Thanh Quyền

Tin học

B

Cấp cơ sở

3

Lê Hải Lý

Toán

C

Cấp cơ sở

4

Lương Thành Duy

Vật lí

C

Cấp cơ sở

5

Nguyễn Thị Hạnh

Sinh học

C

Cấp cơ sở

6

Trịnh Văn Tú

Sinh học

C

Cấp cơ sở

7

Đỗ Thu Hà

Tin học

C

Cấp cơ sở

8

Ngô Thị Thanh

Ngữ văn

C

Cấp cơ sở

9

Ngô Thị Tuyết

Ngữ văn

C

Cấp cơ sở

10

Mai Đình Võ

Giáo dục Quốc phòng - An ninh

C

Cấp cơ sở

11

Nguyễn Thị Vân

Công tác chủ nhiệm

C

Cấp cơ sở

 

2.4. Các Thầy cô giáo được Giám đốc Sở khen

TT

Họ tên

Môn

Xếp loại

Cấp

1

Thiều Văn Tài

Toán

B

Cấp tỉnh

2

Phan Thanh Quyền

Tin học

B

Cấp cơ sở

3

Lê Hải Lý

Toán

C

Cấp cơ sở

4

Lương Thành Duy

Vật lí

C

Cấp cơ sở

5

Nguyễn Thị Hạnh

Sinh học

C

Cấp cơ sở

6

Trịnh Văn Tú

Sinh học

C

Cấp cơ sở

7

Đỗ Thu Hà

Tin học

C

Cấp cơ sở

8

Ngô Thị Thanh

Ngữ văn

C

Cấp cơ sở

9

Ngô Thị Tuyết

Ngữ văn

C

Cấp cơ sở

10

Mai Đình Võ

Giáo dục Quốc phòng - An ninh

C

Cấp cơ sở

11

Nguyễn Thị Vân

Công tác chủ nhiệm

C

Cấp cơ sở

 

3. Đối với học sinh:

3.1.Trong cuộc thi HSG cấp tỉnh đạt 16 giải, xếp thứ 50 toàn tỉnh, tăng 23 bậc so với các năm trước đó.

3.2. Trong kỳ thi TN THPT có 2 học sinh trên 27 điểm

3.3. Học sinh đạt điểm 10 có 3 em

 

II. Năm 2021

1. Đảng bộ- Nhà trường:

- Chủ tịch UBND tỉnh công nhận Trường Đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1.

- Vinh dự được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng danh hiệu “Tập thể Lao động Tiên Tiến năm học 2020-2021”.

- Nhà  trường vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu.

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen.

 

2. Đối với cán bộ giáo viên:

2.1. Cô Lê Hải Lý đạt giải Ba quốc gia cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai dành cho giáo viên THPT năm học 2020-2021”.

2.2. Cô Ngô Thị Thanh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen.

2.3. Cô Lê Thị Chuyên, cô Đỗ Thu Hà, cô Lê Thị Hương đạt giải 3 cấp cụm cuộc thi “Tìm hiểu công tác kiểm tra giám sát Công đoàn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân”

2.4. Các Thầy cô giáo được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen

TT

Họ tên

Chức vụ

1

Thầy Vũ Ngọc Liêm

Hiệu trưởng

2

Thầy Thiều Văn Tài

TKHĐ, Tổ trưởng chuyên môn

3

Cô Ngô Thị Hoa

Giáo viên

4

Thầy Hoàng Anh

Giáo viên

 

2.5. Các Thầy cô giáo được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen

TT

Họ tên

Chức vụ

1

Thầy Mai Đình Võ

Tổ trưởng chuyên môn

2

Cô Ngô Thị Thanh

Tổ trưởng chuyên môn

3

Thầy Phan Thanh Quyền

Thư ký Hội đồng

 

2.6. Các Thầy cô giáo được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở

TT

Họ tên

Chức vụ

1

Thầy Mai Đình Võ

Tổ trưởng chuyên môn

2

Thầy Trịnh Văn Tú

Tổ trưởng chuyên môn

3

Cô Ngô Thị Thanh

Tổ trưởng chuyên môn

4

Cô Đỗ Thu Hà

Tổ Phó chuyên môn

5

Thầy Phan Thanh Quyền

Thư ký Hội đồng

6

Cô Ngô Thị Tuyết

Giáo viên

7

Cô Nguyễn Thị Vân

Giáo viên

8

Cô Nguyễn Thị Hạnh

Giáo viên

9

Thầy Lương Thành Duy

Giáo viên

10

Cô Lê Hải Lý

Giáo viên

 

2.7. Các Thầy cô giáo được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen

TT

Họ tên

Chức vụ

1

Thầy Đỗ Minh Thanh

Phó Hiệu trưởng

2

Thầy Phí Mạnh Cường

Phó Hiệu trưởng

3

Cô Lê Thị Anh

Phó Hiệu trưởng

4

Thầy Trần Doãn Cương

Giáo viên

5

Thầy Cao Văn Dũng

Bí thư Đoàn trường, Tổ Phó CM

6

Thầy Nguyễn Hữu Trường

Tổ trưởng chuyên môn

7

Cô Trần Thị Diệu Linh

Tổ Phó chuyên môn

8

Cô Dương Thị Tám

Giáo viên

9

Thầy Phạm Đăng Lương

Giáo viên

10

Cô Nguyễn Thị Bé

Tổ Phó chuyên môn

 

+ Có 02 thầy giáo tham dự kì thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc THPT do Sở GD và ĐT tổ chức, kết quả cả 02 thầy giáo được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (thầy Thiều Văn Tài môn Toán; Thầy Hoàng Anh môn Vật lý)

 

3. Đối với học sinh

3.1. Em Lê Thị An lớp 11A2 đạt giải Nhì quốc gia cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai dành cho học sinh THPT năm học 2020-2021”.

 3.2. Em Triệu Duyên Sơn học sinh lớp 11A4 đạt giải khuyến khích cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa”.

3.3. Trong kỳ thi TN THPT: Đây là năm học trường có số lượng học sinh đạt điểm 10; số học sinh đạt điểm trần 27 trở lên nhiều nhất tính đến thời điểm năm 2021.

- Số học sinh đạt 27 điểm trần trở lên các khối thi truyền thống (A, A1, C00, D1)

-...