Đại học tuyển sinh thế nào nếu không tổ chức thi tốt nghiệp THPT?.
Ngày đăng: 23/09/2020
Đại học tuyển sinh thế nào nếu không tổ chức thi tốt nghiệp THPT? - 1 Một năm học đầy khó khăn với những thí sinh lớp 12. Ảnh: Như Ý Bộ lùi thì trường cũng lùi PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay trường có 4 phương thức tuyển sinh. Trong đó, đến ngày hôm qua, đã hoàn thành tuyển sinh 2 phương thức là tuyển thẳng và xét tuyển thẳng bằng chứng chỉ ngoại ngữ, hồ sơ tài năng (xét học bạ những học sinh giỏi trường THPT chuyên trên toàn quốc). Trường còn 2 phương thức nữa phụ thuộc vào kế hoạch thi tốt nghiệp của Bộ GD&ĐT đó là lấy kết quả kỳ thi và tổ chức thi bài kiểm tra tư duy. Hai phương thức này chiếm tới 85% chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Theo PGS Huỳnh Quyết Thắng, cho đến hôm qua, thông tin trường nhận được vẫn giữ kỳ thi này và tổ chức vào ngày 9, 10/8 tới. “Nếu kế hoạch của Bộ GD&ĐT như vậy thì trường ĐH Bách khoa cũng vẫn tổ chức thi kiểm tra tư duy vào ngày 15/8 để phù hợp với lịch đã công bố trước đó”, PGS Huỳnh Quyết Thắng nói. Ông cũng khẳng định các trường ĐH đều có phương án dự phòng, giống như thời chiến. Với kỳ thi kiểm tra tư duy của trường, PGS Huỳnh Quyết Thắng giả sử Bộ GD&ĐT lùi kỳ thi tốt nghiệp THPT thì trường cũng sẽ lùi tương ứng. Tuy nhiên, nếu Bộ GD&ĐT không tổ chức tốt nghiệp được kỳ thi vì dịch, thì trường cũng sẽ không tổ chức thi kiểm tra tư duy trực tuyến. “Với gần 6.000 thí sinh đăng ký dự thi bài kiểm tra tư duy, không dễ để thay đổi phương thức trong chốc lát. Chưa kể là làm thế nào đáp ứng đủ máy móc thiết bị cho ngần này em thi trong một thời gian ngắn. Hơn nữa, một trong những mục đích của kỳ thi là phải tạo sự công bằng cho tất cả thí sinh. Nếu thi trực tuyến không đủ điều kiện công bằng như nhau lúc đó mục đích của kỳ thi không đáp ứng được”, PGS Huỳnh Quyết Thắng nói. Do vậy phương án của trường theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT. Nếu bộ không tổ chức thi mà yêu cầu xét kết quả tốt nghiệp của thí sinh thì lúc đó trường sẽ xét tuyển bằng kết quả học bạ. Đại diện cho hơn 50 trường ĐH khu vực phía Bắc cho biết, nhóm có bàn tới tình huống nếu không tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 thì phương án tuyển sinh sẽ như thế nào. Tuy nhiên, đó là phương án dự phòng và vẫn phải chờ quyết định, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Sẽ có cách xét tuyển phù hợp Trước tình hình COVID-19 như hiện nay, cơ bản, các trường ĐH đều tương đối bình tĩnh. Vì năm nay, các trường đều có rất nhiều phương thức tuyển sinh, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào kỳ thi do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ông Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, kỳ thi do bộ tổ chức có diễn ra hay không cũng không ảnh hưởng nhiều đến trường. “Trường đã chuẩn bị các phương án đi “ở riêng” (tuyển sinh riêng) từ 6 năm nay, nên không bị động trước những thay đổi về kỳ thi của bộ. Tuy nhiên, với những trường chưa chuẩn bị kịp, năm nay sẽ khá lúng túng vì tuyển sinh bằng kết quả học tập tỷ lệ ảo rất cao. Nếu không quen “định lượng”, sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tùng khẳng định. Các trường ĐH khu vực phía Nam cũng cho biết đều có phương án tuyển sinh phù hợp nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT không diễn ra. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) dành đến 65% tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nhà trường cho biết nếu xảy ra tình huống phải hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, trường cũng sẽ có cách xét tuyển phù hợp. Còn theo đại diện một số trường ĐH, trong thời điểm tình hình dịch COVID-19 trở lại và đang diễn biến vô cùng phức tạp, Bộ GD&ĐT nên cân nhắc việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong lúc dịch COVID-19 bùng phát sẽ vô cùng vất vả, bên cạnh đó tâm lý của cả xã hội đang rất lo sợ nhiễm bệnh nên chắc chắn ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi. Đặc biệt, tại tâm dịch Đà Nẵng hiện đã thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 áp dụng trên toàn thành phố. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi cụ thể cho những nơi đặc biệt như thế, nhưng thực tế tâm lý của thí sinh và cả những người tham gia công tác kỳ thi đều đang rất lo lắng. Như vậy, tính công bằng của kỳ thi sẽ không đảm bảo. Hôm qua, 30/7, Bộ GD&ĐT có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố. Trong công văn này, Bộ GD&ĐT hướng dẫn đối với từng trường hợp. Đối với thí sinh thuộc diện F0 (ca bệnh xác định, dương tính với SARS-CoV2) phải cách ly và điều trị tại cơ sở y tế nên không thể dự thi, được xem xét đặc cách công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định hiện hành. Những thí sinh này nếu có nhu cầu xét tuyển vào các trường đại học, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH xem xét phương thức tuyển sinh phù hợp trên tinh thần tự chủ, đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh.
Các tin liên quan: